top of page
Ảnh của tác giảNguyet-Anh Nguyen

Cải thiện kỹ năng viết (phần 4)

Qua 3 phần trước, nếu bạn đã viết được bản nháp cho sản phẩm của mình, xin chúc mừng! tiếp theo chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn quan trọng và tốn thời gian hơn cả việc viết ra bản nháp, đó là: đọc lại và VIẾT LẠI nếu cần!


Bước này nói nghe rất đơn giản, nhưng thực hiện một cách hiệu quả thì lại rất khó. Lý do chính là do bản thân mình thường không có được một cặp mắt đủ “công bằng” khi tự đọc lại điều chính mình viết ra. Vì vậy, tôi thường lên một danh sách những điểm muốn xem lại trước khi bắt đầu thực sự hành trình “revise”.


Vậy chiến lược của tôi thường có những điểm quan trọng nào? Chiến lược của tôi thường xoay quanh 6 điểm quan trọng:


1. Đặt mình vào ví trị người đọc để soát lại nội dung: Nhớ lại quá trình bạn phân tích người đọc, đặt mình vào vị trí của họ để đọc lại bài viết và tự hỏi mình “liệu mình viết như vậy đã truyền tải những điều mà người đọc có thể sẽ tìm kiếm chưa?”


2. Kiểm tra lại độ chính xác và tính logic của những nội dung bạn đề cập: câu chuyện và quan điểm bạn đưa ra có logic không, có xác thực không? Bạn có đưa thiếu hay thừa thông tin so với nhu cầu của người đọc không? có thông tin nào bị lặp lại trong bài một cách không cần thiết không?


3. Xem lại cấu trúc tổng thể và tên các đề mục hoặc câu chủ đề các đoạn: bài viết có tạo cảm giác dễ đọc từ đầu tới cuối không? khi đọc bạn có cảm thấy khúc mắc hoặc có chỗ nào có thể gây khó hiểu/hiểu lầm cho người đọc? Nếu bạn có nhiều đề mục nhỏ trong báo cáo, vậy tên của từng đề mục nhỏ đó đã cung cấp đủ ý chính chưa? Giả sử nếu một người không có đủ thời gian để đọc toàn bộ bài viết của bạn từ đầu tới cuối, họ chỉ lướt qua tên đề mục thì họ có “grab” được hết các ý chính/thông điệp bạn muốn truyền tải không?


4. Kiểm tra độ mạch lạc và kết nối giữa các đề mục, đoạn, và câu: Ở mỗi phần và mỗi đoạn, bạn có đủ phần mở đầu, phần giữa, và phần kết chưa? Các câu đã ngắn gọn, rõ ý nhất có thể chưa? Độ liên kết giữa các câu trong một đoạn, giữa các đoạn với nhau có cần chỉnh sửa hay cải thiện không?


5. Kiểm tra lỗi ngữ pháp, dấu câu, và từ vựng: sau khi tất cả những điều trên đã được đáp ứng, đây là lúc bạn đọc lại một lần nữa để soát các lỗi cơ bản, bao gồm: ngữ pháp, dấu câu, lỗi đánh máy (nếu là bản mềm), từ viết tắt, và chỉnh sửa từ ngữ sao cho chuẩn nhất nếu cần.


6. Cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin tài liệu tham khảo (đặc biệt với báo cáo môn học, bài tập lớn, khóa luận/luận văn, nghiên cứu khoa học): phần tài liệu tham khảo thường bị coi nhẹ hoặc rất ít được người viết dành nhiều thời gian để kiểm tra và sửa lại sau khi viết xong bản thảo. Lý do là bởi chúng ta nghĩ rằng “ai thèm đọc phần tài liệu tham khảo?”. Tuy nhiên, phần tài liệu tham khảo lại là một yếu tố phản ánh độ xác thực của thông tin/dẫn chứng bạn cung cấp, từ đó, người đọc sẽ cảm thấy bài viết của bạn có tính thuyết phục cao hay không. Giáo sư của tôi đã nói với tôi như thế này: “đọc một bản thảo khoa học, chỉ cần nhìn vào mục tài liệu tham khảo là có thể biết được tác giả có thực sự tận tâm và tỉ mẩn với công trình nghiên cứu của mình hay không; nếu đến cả trích dẫn tham khảo còn mơ hồ hoặc có lỗi nhiều, vậy làm sao có thể tin được phương pháp và kết quả nghiên cứu của người ấy?”


Để kiểm tra tốt lại tài liệu tham khảo, những yếu tố sau đây cực kỳ quan trọng:

  • Sử dụng đúng mẫu trích dẫn đúng và phù hợp (format): sẽ có những yêu cầu cụ thể về mẫu trích dẫn, bạn nên chú ý yêu cầu, hoặc chọn loại mẫu phù hợp.

Ví dụ sau đây sử dụng Chicago Author Date format: When you are revising your document, try experimenting with what you have written (Strunk & White, 2000, 72). Reference list: Strunk, William, and E.B. White. The Elements of Style. 4th ed. Toronto, ON: Longman, 2000.

Kiểm tra xem có thiếu trích dẫn, hoặc thừa trích dẫn không – kiểm tra chéo giữa phần tài liệu trích dẫn trong nội dung bài, và phần mục tài liệu tham khảo ở cuối bài. Kiểm tra xem có chỗ nào trong bài quên chưa đưa trích dẫn?


  • Không nên list quá nhiều reference cho cùng 1 câu. Chú tâm chọn ra khoảng 2 references tốt nhất để hỗ trợ luận điểm của mình, nếu không được thì có thể chọn tối đa là 3 references.

  • Tận dụng những phần mềm quản lý trích dẫn để lưu trữ tài liệu và thiết kế danh sách trích dẫn cho báo cáo. Một số phần mềm/công cụ phổ biến có thể kể đến Zotero, Mendeley, EndNote, EasyBib.

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau đi qua 4 phần của chuỗi bài “Cải thiện kỹ năng viết”: 1) Who is your reader? 2) Make it relevant 3) Make it clear 4) Revise with purpose (phần này)


Tôi mong rằng bạn đã có thêm động lực để thực hành viết thường xuyên và hiệu quả hơn. Bởi chỉ có cách thực hành thật đều đặn thì kỹ năng viết của bạn mới có thể tốt lên được. Những gì mình viết ra chưa cần phải hoàn hảo ngay, nhưng nếu mình có thể cam kết bản thân vào một hành trình viết thường xuyên, chú tâm cải thiện từng lỗi một, thì chắc chắn những gì mình viết ra sẽ có giá trị hơn rất nhiều.


Tôi sẽ kết thúc chuỗi bài viết bằng chính điều tôi đã mở đầu chuỗi bài viết: “𝑰𝒇 𝒚𝒐𝒖 𝒘𝒂𝒏𝒕 𝒕𝒐 𝒃𝒆 𝒂 𝒈𝒐𝒐𝒅 𝒘𝒓𝒊𝒕𝒆𝒓, 𝒚𝒐𝒖 𝒎𝒖𝒔𝒕 𝒅𝒐 𝒕𝒘𝒐 𝒕𝒉𝒊𝒏𝒈𝒔 𝒂𝒃𝒐𝒗𝒆 𝒂𝒍𝒍 𝒐𝒕𝒉𝒆𝒓𝒔: 𝒓𝒆𝒂𝒅 𝒂 𝒍𝒐𝒕 𝒂𝒏𝒅 𝒘𝒓𝒊𝒕𝒆 𝒂 𝒍𝒐𝒕.” -𝑺𝒕𝒆𝒑𝒉𝒆𝒏 𝑲𝒊𝒏𝒈

194 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page