top of page
Ảnh của tác giảNguyet-Anh Nguyen

Cải thiện kỹ năng viết (phần 2)


Trước khi bắt đầu, tôi muốn bạn hãy đọc bài viết này với một tâm thế “học đi đôi với hành”. Tức là khi đọc những gì tôi chia sẻ sau đây, hãy đồng thời nghĩ về một ví dụ cụ thể mà bạn chuẩn bị phải thực hiện và vận dụng những điều tôi chia sẻ vào ví dụ đó.


1) Trả lời câu hỏi “viết để làm gì?” và “viết cho ai?”


Khi trả lời đúng và đủ được hai câu hỏi lớn “viết làm gì?” và “viết cho ai?”, tôi sẽ xây được một nền móng vững chắc cho bài viết của mình ở nhiều khía cạnh, ví dụ: thể loại, cấu trúc, nội dung chính, ngôn ngữ, giọng điệu, các tài liệu tham khảo, dẫn chứng/ví dụ minh họa, và độ dài.


Hãy nghĩ về ví dụ của riêng bạn: bạn chuẩn bị phải viết gì? thể loại bạn cần viết là gì? có giới hạn cho sẵn nào bạn phải tuân theo không? hay bạn có thể tự xây dựng cho mình một “format”? Ví dụ: bài luận, báo cáo môn học, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bản ghi nhớ, khóa luận tốt nghiệp, báo cáo khoa học, thư xin việc, hay một bài viết trên blog cá nhân?


Khi đã xác định rõ được mục đích, bạn cần hiểu rõ người đọc của bạn là ai. Trong khóa học về writing đầu tiên mà tôi theo học, giáo sư đã hỏi cả lớp một câu như thế này: “Who is your reader if you don’t consider who your reader is?” – tạm dịch: “Ai sẽ là độc giả của bạn nếu bạn không quan tâm tới việc ai sẽ đọc những điều bạn viết?”

Câu trả lời là: “It’s You” - “Đó chính là bạn” (nguy hiểm chưa!?)


Nếu bạn không làm một phép phân tích người đọc trước khi bạn bắt đầu viết, thì xu hướng bài viết của bạn sẽ:

  • Tập trung vào những thứ bạn nghĩ là quan trọng > bỏ sót những nội dung người đọc quan tâm.

  • Dựa trên mức độ hiểu biết, chuyên môn, và góc nhìn của bạn > bỏ qua việc giải thích và cung cấp ví dụ dễ hiểu, góc nhìn đa chiều cho người đọc; hoặc sử dụng những cách viết chỉ bạn mới hiểu rõ, sử dụng từ viết tắt không giải thích đầy đủ, vân vân > bài viết kém hiệu quả.


Đó là lí do tại sao nhiều khi bạn đọc một đoạn mình viết và cảm thấy rất dễ hiểu và có giá trị; Nhưng đối với người đọc của bạn, bài viết lại không “rõ ràng và mạch lạc”, hoặc chưa chạm tới điểm quan trọng mà họ tìm kiếm.


Hiểu về “độc giả” của bạn như thế nào?

Hãy tiếp tục nghĩ về ví dụ của bạn và thực hành trả lời những câu hỏi sau để phân tích người đọc những điều bạn viết:

  1. Ai là người đọc bài viết của bạn? (who are they? do you have more than one reader?)

  2. Trình độ của họ về chủ đề bạn viết là ở đâu? (level of technical expertise and knowledge of the topic)

  3. Họ tìm kiếm điều gì từ bài viết của bạn? (what do they need from you?)

  4. Họ sẽ dùng thông tin bạn cung cấp/thông điệp bạn truyền tải để làm gì? (how would they use the information?)


Khi trả lời được những câu hỏi trên, bạn sẽ hình dung tốt hơn về đối tượng bạn muốn “giao tiếp” bằng nội dung và cách bạn viết. Hãy tưởng tượng giống như khi đi tới một cuộc gặp gỡ quan trọng, bạn cần tìm hiểu mình sẽ gặp và trao đổi với ai, họ có chuyên môn ở mảng gì, từ đó bạn sẽ định hình được bạn muốn thảo luận những điều gì với họ để cuộc gặp trở thành một cuộc gặp có giá trị?

Sau khi đã trả lời xong hai câu hỏi lớn: “viết để làm gì?” và “viết cho ai?” bước quan trọng tiếp theo để “Make it relevant” là xây dựng cấu trúc/khung xương cho bài viết của bạn. Tôi gọi bước này là bước “plan and organize”.


2) Xây dựng cấu trúc bài viết – plan and organize


“The secret to good writing lies in one word – structure” – bí mật của việc viết tốt gói gọn trong một từ - cấu trúc. Nếu một báo cáo/ bài viết không có cấu trúc, người đọc sẽ khó có thể kiên nhẫn đọc hết hoặc nhớ được điều gì từ bài viết của bạn (chưa nói tới việc có ấn tượng tốt). Vì vậy, xây dựng cấu trúc cho bài viết, dù dài hay ngắn, là một bước tôi không bao giờ bỏ qua.


Tôi thường thực hiện ba bước sau để xây dựng một cấu trúc tốt cho bài viết:

  1. Đặt mình vào vai trò của người đọc (dựa trên hai câu hỏi lớn phía trên)

  2. Nghĩ về những điều mà người đọc tìm kiếm từ bài viết của tôi

  3. Tạo ra một “outline” hoặc “table of contents” phù hợp với những nhu cầu đó


Tùy thuộc vào thể loại mà cấu trúc cần được xây dựng ở một lớp hay nhiều lớp. Ví dụ, một bài báo cáo khoa học thường gặp sẽ bao gồm:

> Phần mở đầu: Beginning (introduction)

> Phần giữa: Middle (methods + results)

> Phần kết: End (disscussion + conclusion – NO SURPRISES) – TAKE AWAY message.

Đó là cấu trúc chung, sau đó, tôi sẽ chẻ nhỏ báo cáo ra, và ở mỗi phần tôi sẽ xây dựng cấu trúc một lần nữa, vẫn sử dụng công thức: Beginning + Middle + End. Sau khi đã có được phần cấu trúc/sườn/khung xương cho bài viết của mình, tôi sẽ xem lại một lượt xem có cần điều chỉnh thêm bớt gì không trước khi bắt đầu viết.

Để áp dụng, các bạn có thể bắt tay vào viết các phần nhỏ của bài tập/báo cáo dựa trên khung sườn đã lập được qua 2 bước trên. Ở bài viết tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ về ba điểm quan trọng còn lại để giúp các bạn xem lại và cải thiện bài viết nhé.


[còn tiếp]

-------

Lưu ý: chuỗi bài viết này tập trung chia sẻ những điểm hữu ích trong cải thiện kỹ năng viết, bao gồm technical writing/scientific writing/professional writing - phù hợp cho các bạn là sinh viên Đại học, nghiên cứu sinh, và người đi làm. Các bạn quan tâm tới creative writing hoặc các lối viết khác có thể đọc tham khảo, nhưng tôi không khuyến khích các bạn áp dụng dập khuôn.

160 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page